Trung Quốc cải cách quân đội:

Bài 2: Cuộc chiến “đả Hổ” quyết liệt trong quân đội Trung Quốc

VietTimes -- Tại Hội nghị mở rộng Quân ủy trung ương ngày 25/11/2015, ông Tập Cận Bình cảnh báo sẽ thẳng tay gạt bỏ những ai chống đối và cản trở cải cách. Ông tuyên bố: “Ai phản đối cải cách, tức là phản đối sự tiến bộ của quân đội thì người đó phải bị lôi xuống”. Từ sau Đại hội 18 đến nay, đã có gần 160 “Hổ quân đội”, trong đó có 7 Thượng tướng bị ngã ngựa…
Tập Cận Bình: “Ai phản đối cải cách, tức là phản đối sự tiến bộ của quân đội thì người đó phải bị lôi xuống”
Tập Cận Bình: “Ai phản đối cải cách, tức là phản đối sự tiến bộ của quân đội thì người đó phải bị lôi xuống”

“Quân đội tham nhũng là chuyện tuyệt đối không thể dung thứ”

Ngày 9/1/2018, Tân Hoa xã đưa tin: “Được trung ương Đảng phê chuẩn, Phòng Phong Huy, Thượng tướng, Ủy viên Ủy ban Quân sự trung ương nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nguyên Ủy viên Quân ủy trung ương Đảng, nguyên Tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy, đã bị đưa sang cơ quan kiểm sát quân sự để xử lý theo pháp luật vì bị cáo buộc phạm tội đưa và nhận hối lộ”. Như thế là chỉ một tháng rưỡi sau ngày Chủ nhiệm Bộ công tác Chính trị Quân ủy, Thượng tướng Trương Dương tự sát bằng cách treo cổ, lại có thêm một lãnh đạo quân đội mang cấp hàm cao nhất nữa ngã ngựa vì tham nhũng.

Trương Dương - Ủy viên Quân ủy treo cổ tự tử khi bị điều tra
Trương Dương - Ủy viên Quân ủy treo cổ tự tử khi bị điều tra 

Phòng Phong Huy đã trở thành viên Thượng tướng thứ 7 bị chính thức thông báo mất chức, bị điều tra hoặc đã nhận án tù vì tham nhũng. Tờ “Giải phóng quân báo” hôm 10/1 đã kết tội Phòng Phong Huy “biến chất về chính trị, tham lam về kinh tế, không xứng với sự tín nhiệm của trung ương và Quân ủy, bôi bẩn hình ảnh đảng và quân đội”;  đồng thời cho rằng, việc điều tra xử lý Phòng Phong Huy cũng giống như Trương Dương trước đây, “là một bộ phận hợp thành quan trọng của việc toàn quân triệt để loại bỏ ảnh hưởng độc hại còn lại của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu”.

Phòng Phong Huy (trái) và Trương Dương đều bị điều tra khi còn giữ chức Ủy viên Quân ủy
Phòng Phong Huy (trái) và Trương Dương đều bị điều tra khi còn giữ chức Ủy viên Quân ủy 

Trước việc các “Hổ lớn” quân đội liên tiếp ngã ngựa cùng hiện tượng tham nhũng hủ bại tồn tại trong quân đội, tối 9/1/2018, Thiếu tướng về hưu La Tiễn, nguyên Phó chính ủy Cục Hậu cần, Tổng bộ Trang bị, con trai Đại tướng khai quốc La Thụy Khanh khi trả lời báo chí đã nói: “Quân đội tham nhũng là chuyện tuyệt đối không thể dung thứ”. Ông nói: “Quân đội cần phải là bức trường thành của quốc gia, bản thân hủ bại thì sẽ sụp đổ, còn bảo vệ nhân dân sao được? Đó là điều không thể dung thứ…Bản thân đã thối nát thì làm sao còn có sức đề kháng?”.

Ông nói: “Quân đội hủ bại không phải là ngày một ngày hai; băng dày ba thước không phải chỉ bởi giá lạnh một ngày. Sau khi cải cách mở cửa, một số người đã mất cảnh giác, bắt đầu biến chất về tư tưởng, họ dần dần bị đạn bọc đường làm tha hóa; thật đáng sợ. Hai Phó chủ tịch Quân ủy (Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu), một Tổng tham mưu trưởng (Phòng Phong Huy), một Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị (Trương Dương) đều bị điều tra; ngay các lãnh đạo cấp cao nhất như thế đều biến chất, thì liệu còn chỉ huy được quân lính không? Trung ương hạ quyết tâm chỉnh đốn đảng, quân đội là việc rất bức thiết…”.

Phát biểu của La Tiễn đã nói lên thực trạng và tình hình chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc hiện nay – vấn đề đang được dư luận trong, ngoài Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Từ sau Đại hội 18 đến nay, đã có gần 160 “Hổ quân đội”, trong đó có 7 Thượng tướng bị ngã ngựa, nhưng chỉ có 71 người được công khai tên tuổi. Điều khiến mọi người quan tâm nhất là: họ là ai? Có những mối quan hệ thế nào với hai “đại Hổ” Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu?

Cuộc chiến “đả Hổ” bắt đầu từ Từ Tài Hậu

Việc xử lý Từ Tài Hậu mở đầu cho cuộc chiến “đả Hổ” trong quân đội. Ngày 15/3/2014, Trung ương ĐCSTQ tuyên bố điều tra Từ Tài Hậu vì có dấu hiệu vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Ngày 30/6/2014, Hội nghị Bộ Chính trị quyết định khai trừ đảng tịch, chuyển vấn đề phạm tội nhận hối lộ của ông ta sang viện kiểm sát quân sự điều tra xử lý theo pháp luật; sau đó Từ Tài Hậu bị tước quân tịch, hủy bỏ quân hàm Thượng tướng, viện kiểm sát làm thủ tục khởi tố. Tuy nhiên, ngày 15/3/2015, Từ Tài Hậu bị chết do chứng ung thư nên vụ án được hủy bỏ.

Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu khi còn giữ chức ...
Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu khi còn giữ chức ...
... Và sau khi bị bắt
... Và sau khi bị bắt 

Ngày 9/4/2015, đến lượt nguyên Phó chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng bị điều tra, tình tiết vụ án tương tự Từ Tài Hậu. Ngày 30/7/2015 ông ta bị Hội nghị Bộ Chính trị quyết định khai trừ đảng, chuyển viện kiểm sát quân sự xử lý vì phạm tội nhận hối lộ. Ngày 25/7/2016, Quách Bá Hùng bị tòa án quân sự tuyên phạt án tù chung thân, tước quân hàm Thượng tướng.

Sau khi Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng ngã ngựa, quân đội Trung Quốc bắt đầu tiến hành phong trào “quét sạch tàn dư độc hại của Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu” với quy mô lớn. Hàng trăm tướng lĩnh liên tiếp bị mất lon, trong đó có 5 Thượng tướng Điền Tu Tư, Vương Kiến Bình, Vương Hỉ Bân, Trương Dương, Phòng Phong Huy đều có quan hệ chặt chẽ với Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.

Trang mạng “Bát Nhất” của quân đội từng đăng bài cáo buộc: “Quách, Từ dùng người theo tình thân, mua quan bán chức, biến quyền lực trong tay thành công cụ kiếm tiền và thu mua nhân tâm”. Con trai Hùng – “Thiếu tướng đoản mệnh” Quách Chính Cương từng rêu rao “hơn một nửa cán bộ toàn quân là do gia đình tôi đề bạt”.

Ngày 9/7/2016, Chính ủy Không quân Điền Tu Tư bị ngã ngựa. Tư là thuộc hạ của Quách Bá Hùng khi Hùng là Tư lệnh Quân khu Lan Châu. Khi Hùng dẫn quân ra tham chiến ở Vị Xuyên (Hà Giang, Việt Nam) từ 8/1985 đến 9/1986, Tư là người được Hùng dẫn theo. Sau đó khi Hùng được ngồi lên ghế Phó chủ tịch Quân ủy, Tư thăng tiến rất nhanh, chỉ trong 7 năm đã từ cấp trưởng quân đoàn vượt cấp lên cấp trưởng đại quân khu. Năm 2012, Hùng chủ trì lễ trao hàm Thượng tướng cho Tư.

Ngày 29/12/2016, quân đội chính thức thông báo: Thượng tướng Vương Kiến Bình, Phó Tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy, nguyên Tư lệnh Cảnh sát vũ trang bị ngã ngựa, trở thành Thượng tướng đầu tiên bị điều tra khi đang tại chức. Vương Kiến Bình là thuộc hạ của Từ Tài Hậu khi ông ta giữ chức trong thời gian dài ở Quân khu Thẩm Dương. Báo chí viết: sau khi Hậu ngã ngựa, Bình bị “điệu Hổ ly sơn” từ Tư lệnh CSVT lên Phó Tổng Tham mưu trưởng “ngồi chơi xơi nước” trước khi bị điều tra.

Ngày 24/2/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông báo Thượng tướng Vương Hỉ Bân, nguyên Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng bị bãi nhiệm đại biểu và ủy viên 2 ủy ban của Quốc hội do phạm tội chức vụ. Bân được cho là người thân cận với Từ Tài Hậu. Tháng 4/2013, khi Bân xuất bản cuốn sách “Từ nơi này đi ra chiến trường” đã được Từ Tài Hậu viết đề tựa cho sách.

6 Thượng tướng bị ngã ngựa (trên xuống dưới, trái qua phải) là Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Trương Dương. Điền Tu Tư, Vương Kiến Bình, Vương Hỉ Bân
6 Thượng tướng bị ngã ngựa (trên xuống dưới, trái qua phải) là Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Trương Dương. Điền Tu Tư, Vương Kiến Bình, Vương Hỉ Bân 

Ngoài 7 Thượng tướng trên đây, còn có 9 tướng là chỉ huy cấp quân khu bị mất chức; đó là: Dương Kim Sơn – Phó tư lệnh quân khu Thành Đô; Lưu Tranh – Phó chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần; Phạm Trường Bí – Phó chính ủy quân khu Lan Châu; Vu Đại Thanh – Phó chính ủy Tên lửa chiến lược; Vương Cửu Vinh – Phó tư lệnh Tên lửa chiến lược; Vương Đại Phát, Chính ủy Không quân quân khu Quảng Châu; Ngưu Chí Trung – Phó Tư lệnh CSVT và Trương Minh – Tham mưu trưởng quân khu Tế Nam.

Bị bắt giữ, điều tra còn có 25 tướng lĩnh cấp trưởng quân đoàn, 30 tướng cấp phó quân đoàn. Đó là 71 tướng được đưa tin công khai với họ tên, chức vụ cụ thể. Còn theo các nguồn khác chưa được chính thức xác nhận thì số tướng lĩnh cấp quân đoàn trở lên bị ngã ngựa tổng cộng tới gần 160. Thế nhưng, sau khi Phòng Phong Huy bị thông báo điều tra, tờ “Giải phóng quân báo” vẫn viết: “cuộc đấu tranh triệt để loại bỏ ảnh hưởng độc hại của Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu và chống tham nhũng hủ bại” vẫn còn “nhiệm trọng đạo viễn” (đường còn xa, gánh rất nặng).

(Còn nữa)