“Bách khoa toàn thư” về chế độ Chụp chân dung trên smartphone

VietTimes --  Chế độ Chụp chân dung (Potrait Mode) là tính năng khá phổ biến trên smartphone ngày nay nhưng thực sự công dụng của nó là gì? Công nghệ Chụp chân dung của các nhà sản xuất khác nhau có gì khác biệt? Bài viết dưới đây từ Digital Trends sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Chế độ Chụp chân dung trên OnePlus 6. Ảnh: DT
Chế độ Chụp chân dung trên OnePlus 6. Ảnh: DT

Smartphone có thể có cảm biến và ống kính nhỏ hơn so với máy ảnh DSLR nhưng với công nghệ ngày nay, những chiếc smartphone có thể bù đăp sự hạn chế về phần cứng bằng phần mềm và các thuật toán trên hệ thống.

Chế độ chụp chân dung là một trong những tính năng phổ biến trên smartphone ngày nay, nhưng tính năng Chụp chân dung thực tế là gì? Liệu Chụp chân dung có phải chiêu trò của nhà sản xuất để dụ bạn chi nhiều tiền hơn hay nó thực sự đem tới chất lượng tốt hơn cho các bức ảnh được  chụp bằng điện thoại?

Trong khi công nghệ giữa smartphone và máy ảnh chuyên dụng hoàn toàn khác nhau nhưng chế độ chụp chân dung một tính năng hữu ích gúp các bức ảnh chụp bằng smartphone tiệm cận vơi chất lượng những bức ảnh chụp bằng máy ảnh chuyên nghiệp. Dưới đây là những điều bạn nên biết về chế độ Chụp chân dung trên smartphone.

Chế độ Chụp chân dung là gì?

Chụp chân dung là một tính năng xuất hiện trên khá nhiều smartphone để giúp bạn có được những bức ảnh đẹp hơn bằng cách tập trung lấy nét khuôn mặt và làm mờ hậu cảnh. Chế độ này được phát triển để cải thiện chất lượng của các bức ảnh chụp gương mặt. Tuy được gọi là chế độ Chụp chân dung, nhưng bạn có thể tận dụng chế độ này để chụp cận cảnh vật thể.

Mặc dù cùng được gọi là chế độ chụp chân dung nhưng nguyên lý hoạt động của máy ảnh kỹ thuật số và smartphone có sự khác biệt đáng kể. Khi lần đầu được cung cấp dưới một chế độ chụp ảnh riêng biệt trên máy ảnh kỹ thuật số, chế độ chụp chân dung đã giúp các nhiếp ảnh gia mới vào nghề chup được những bức ảnh chụp chân dung tốt hơn mà không cần phải điểu chỉ những thông số phức tạp của máy ảnh như khẩu độ, độ mở ống kính để làm mờ hậu cảnh.

Các chi tiết dư thừa của hậu cảnh được làm mờ sẽ khiến chủ thể bên nổi bật hơn, từ đó tạo cho bạn cảm giác bức ảnh được chụp bằng máy ảnh chuyên nghiệp. Qua thời gian, chế độ Chụp chân dung ngày càng được tối ưu hóa, quá trình xử lý bằng thuật toán cũng được cải thiện để gương mặt trước ống kính trở nên sắc nét hơn, thậm chí là loại bỏ quầng mắt đỏ và điều chỉnh lấy nét tự động.

Chế độ Chụp chân dung trên Blackberry Key2. Ảnh: DT
Chế độ Chụp chân dung trên Blackberry Key2. Ảnh: DT

Tuy nhiên, bạn không thể điều chỉnh các cài đặt để bức ảnh chân dung trở nên đẹp hơn khi chụp bằng camera của smartphone. Lý do đầu tiên bởi hầu hết camera của smartphone đều có khẩu độ cố định và bạn không thể thay đổi thông số này (ngoại lệ duy nhất là Galaxy S9/S9+ của Samsung). Ngay cả khi một vài mẫu smartphone cho phép tùy biến khẩu độ thì ống kính và cảm biến của chúng cũng quá nhỏ để tạo ra độ mờ nền mà máy ảnh DSLR và máy ảnh không gương lật (mirrorless) có thể làm được.

Thực tế, các nhà sản xuất smartphone không thể tích hợp cảm biến khổng lồ của máy ảnh DSLR vào bên trong điện thoại, mà vẫn đảm bảo bạn có thể nhét vừa nó vào trong túi quần. Tuy nhiên, smartphone lại được trang bị sức mạnh của các thuật toán xử lý ảnh mạnh mẽ hơn các loại máy ảnh chuyên dụng. Sự khác biệt đó chính là thứ giúp nâng cấp khả năng chụp ảnh chân dung trên smartphone.

Trên smartphone, chế độ Chụp chân dung là một hình thức sử dụng thuật toán để giả hiệu ứng mờ hậu cảnh của máy ảnh DSLR. Chế độ Chụp chân dung trên smartphone dựa vào sự kết hợp giữa phần mềm và phần cứng.

Thuật toán làm mờ hậu cảnh trong bức ảnh gây khó khăn nhiều hơn cho các nhà sản xuất so với các thuật toán xử lý âm thanh. Để tạo ra hiệu ứng này, smartphone cần có khả năng phân biệt giữa hậu cảnh và khuôn mặt của chủ thể. Các nhà sản xuất đã tìm ra những cách khác nhau để xác định khu vực cần làm mờ và các chi tiết cần giữ nguyên độ sắc nét. Điều này đồng nghĩa cùng ở chế độ Chụp chân dung, mỗi thương hiệu smartphone khác nhau lại cho ra bức ảnh khác nhau.

Nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu nguyên lý hoạt động của chế độ Chụp trên dung trên smartphone, bạn cần phải nắm được cách các nhà sản xuất kích hoạt tính năng này.

Chế độ Chụp chân dung trên smartphone hoạt động như thế nào?

So sánh chế độ chụp chân dung giữa các mẫu smartphone khác nhau. Ảnh: TheUnlockr
So sánh chế độ chụp chân dung giữa các mẫu smartphone khác nhau. Ảnh: TheUnlockr

Apple là một trong những công ty đầu tiên thúc đẩy cuộc cạnh tranh về chế độ Chụp chân dung với iPhone 7 Plus ra mắt vào năm 2017. Nhanh chóng, chế độ Chụp chân dung đã trở thành một xu hướng và các hãng sản xuất khác bắt đầu ra mắt các mẫu điện thoại tối ưu hóa tính năng này và phương pháp để smartphone làm mờ hậu cảnh cũng bắt đầu được chia ra làm nhiều loại.

Apple và công nghệ 2 ống kính tạo nên bản đồ độ sâu

Chế độ Chụp chân dung trên smartphone ban đầu yêu cầu thiết bị sở hữu cụm camera kép. Ảnh sáng sẽ khúc xạ độ sâu trên cả ống kính tele và ống kinh góc rộng để xác định môi trường và so sánh điểm khác biệt. Kết hợp với nhau, chúng tạo ta “bản đồ độ sâu” hoặc ước tính về khoảng cách giữa các đối tượng bên trong bức ảnh. Từ bản đồ độ sâu, smartphone sẽ tìm ra cách xác định đâu là hậu cảnh cần làm mờ và đâu là chủ thể.

“Bách khoa toàn thư” về chế độ Chụp chân dung trên smartphone ảnh 3

 Apple và công nghệ Chụp chân dung sử dụng 2 ống kính để tạo "bản đồ độ sâu". Ảnh: DT

Kết hợp với công nghệ nhận diên khuôn mặt, hệ thống sẽ chạy một thuật toán xử lý hình ảnh nhằm làm mờ hậu cảnh và nổi bật khuôn mặt. Đây cũng là công nghệ được sử dụng trên tất cả các mẫu iPhone (như iPhone X) và Samsung Galaxy mới ra mắt.

Phân tách điểm ảnh

Thay vì yêu cầu hai ống kính, công nghệ phân tách điểm ảnh chỉ cần tới một ống kính với một loại cảm biến máy ảnh cụ thể. Thay vì tạo ra một bản đồ độ sâu nhờ hai ống kính khác nhau, công nghệ phân tác điểm ảnh tạo ra bản đồ độ sâu từ hai phía khác nhau của một điểm ảnh.

Trên các mẫu smartphone sở hữu tính năng tự động phân tách điểm ảnh như Google Pixel 2, mỗi điểm ảnh đơn lẻ thực sự có hai đèn quang. Cũng giống như camera kép, phần mềm có thể so sánh từ các phía khác nhau của một điểm ảnh để tạo ra bản đồ độ sâu. Sau đó, camera có thể sử dụng bản đồ độ sau để làm mờ hậu cảnh mà không cần tới ống kính thứ 2. Các mẫu smarpthone sử dụng công nghệ phân tách điểm ảnh thường có khả năng Chụp chân dung từ cả camera trước và sau, giúp bạn có thể selfie một cách dễ dàng hơn.

Chế độ Chụp chân dung chỉ xử lý hình ảnh bằng phần mềm

Một chiếc smartphone lý tưởng để chụp các bức ảnh chân dung cần phải kết hợp giữa phần cứng và phần mềm. Tuy nhiên, nếu điện thoại của bạn không được trang bị cụm camera kép thì sao? Một số nhà sản xuất đã thiết kế ứng dụng chụp ảnh, kết hợp giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và nhận diện khuôn mặt để dự đoán vị trí của chủ thể và hậu cảnh.

Smartphone tích hợp công nghệ xử lý ảnh chân dung bằng phần mềm thường không thể làm mờ hậu cảnh chính xác như phương pháp kết hợp cả phần cứng và phần mềm vì không có bản đồ độ sâu, nhưng công nghệ này lại có khả năng tương thích với nhiều thiết bị khác nhau. Instagram cũng có một phiên bản Chụp chân dung tương thích với bất cứ loại camera nào, gọi là “Focus” cũng sử dụng công nghệ này.

Vậy các công nghệ Chụp chân dung có gì khác biệt?

Mẫu smartphone nào có chụp chân dung tốt nhất. Nguồn: TheUnlockr

Bởi vì phần mềm và thuật toán thiết kế để sử dụng các công nghệ chụp chân dung khác nhau. Bạn có thể thấy sự khác biệt khi so sánh màu sắc và độ mờ hậu cảnh khi chụp bằng Galaxy Note 8, iPhone X, Huawei Mate 10 Pro và Pixel 2 ở chế độ Chụp chân dung.

Các mẫu smartphone cho ra bức ảnh khác nhau bởi ứng dụng những công nghệ riêng biệt. Pixel 2 không cần cụm camera kép và chế độ Chụp chân dung sẽ hoạt động với cả camera trước và sau. iPhone X cũng có thể dùng camera trước để chụp chân dung nhưng lại bằng công nghệ cảm biến chiều sâu 3D nhờ Face ID.

Thay cho lời kết

Thực tế, bức ảnh Chụp chân dung tốt nhất là bức ảnh được ghi lại bởi máy ảnh chuyên dụng với ống kính có thể tùy biến khẩu độ và cảm biến lớn. Tuy nhiên, smartphone đang dần đạt tới chất lượng của máy ảnh DSLR nhờ thuật toán làm giả hiệu ứng mờ hậu cảnh. Bạn luôn có thể chụp bức ảnh chân dung đẹp mắt với Pixel 2 nhờ thuật toán AI. Tương tự, iPhone X cũng có thể đảm bảo chất lượng cho bức ảnh chân dung của bạn, nhưng qua trải nghiệm của chúng tôi, độ sáng của chúng bị giảm đôi chút.

Mặc dù chế độ Chụp chân dung giữa các mẫu smartphone khác nhau cũng có những điểm khác biệt đáng kể, nhưng đối với chúng tôi chỉ có 2 loại smartphone: có chế độ Chụp chân dung và không có chế độ Chụp chân dung.

Nếu smartphone của bạn không được trang bị camera kép để tạo nên bản đồ độ sâu thì hậu cảnh sẽ bị làm mờ lem nhem, không giống trong thực tế. Nếu bạn là người yêu thích chụp ảnh thì chế độ Chụp chân dung sẽ là công cụ hữu ích giúp cải thiện chất lượng hình ảnh ghi lại bằng camera của smartphone.