Ấn Độ tìm kiếm công nghệ đỉnh cao tàu sân bay, chạy đua với Trung Quốc

VietTimes -- Ấn Độ đang thảo luận hợp tác với Mỹ về công nghệ tàu sân bay, bao gồm máy phóng điện từ, nhưng báo Trung Quốc ra sức chê bai trình độ đóng tàu của Ấn Độ và cho rằng Ấn Độ sẽ không theo kịp.
Tàu sân bay mới INS Vikrant của Ấn Độ. Ảnh: Sohu
Tàu sân bay mới INS Vikrant của Ấn Độ. Ảnh: Sohu

Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 17 tháng 2 cho rằng, gần đây, những thông tin về việc Trung Quốc đã đạt được nhưng “đột phá công nghệ quan trọng” về tàu sân bay đã gây lo ngại cho Ấn Độ.

Ấn Độ đã vội vã đẩy nhanh đàm phán với Mỹ về chương trình hợp tác công nghệ tàu sân bay, tìm cách thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc.

Những năm gần đây, hợp tác quân sự Mỹ - Ấn ngày càng chặt chẽ. Mỹ hầu như đã đưa ra tất cả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật không mang tính chiến lược để cho Ấn Độ tiến hành lựa chọn, hợp tác.

Vào trung tuần tháng 2, hai bên đã tổ chức hội nghị chung lần thứ hai về hợp tác công nghệ tàu sân bay ở Ấn Độ. Sau đó, Quân đội Ấn Độ tiết lộ với báo giới, cho biết tại hội nghị Ấn Độ và Mỹ đã thảo luận vấn đề hợp tác về máy phóng điện từ của tàu sân bay.

Hội nghị lần này được tổ chức tại Ấn Độ từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 2. Tờ Thời báo Ấn Độ dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay, căn cứ vào đề nghị của phía Ấn Độ, Mỹ đã đưa ra các thông tin công nghệ của máy phóng điện tàu sân bay, tiến hành thảo luận hợp tác.

Mỹ hiện là nước duy nhất trên thế giới hiện nay lắp ráp và thử nghiệm máy phóng điện từ cho tàu sân bay.

Năm 2015, Quân đội Mỹ và các nhà thầu quốc phòng của họ đã lần đầu tiên hoàn thành thử nghiệm máy phóng điện từ trên tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald Ford, đã phóng thành công một chiếc xe nhỏ nặng 30 tấn lên trên không.

Máy bay chiến đấu chủ lực tương lai F-35 trang bị cho tàu sân bay Mỹ, có trọng lượng cất cánh tối đa chỉ 27 tấn. Hiện nay, máy phóng điện từ của Quân đội Mỹ đã ở trạng thái sử dụng thực tế, nhưng còn phải đợi biên chế tàu sân bay USS Gerald Ford.

Tàu sân bay INS Vikrant Ấn Độ (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay INS Vikrant Ấn Độ (ảnh tư liệu)

Máy phóng điện từ của Quân đội Mỹ có tính năng tiên tiến, đây là nguyên nhân chính Ấn Độ đặc biệt muốn có được trang bị này. Ưu điểm của máy phóng điện từ ở chỗ: có thể hoạt động liên tục và có hiệu quả cao, hầu như 45 giây là có thể phóng một lần; mỗi lần tiêu tốn 100 MW.

Nhưng, do điện năng dễ điều chỉnh hơn là năng lượng từ hơi nước, sử dụng máy phóng điện từ rất tiện lợi. Máy phóng hơi nước quá cồng kềnh, máy phóng điện từ thì đơn giản và nhẹ hơn nhiều.

Máy phóng điện từ có thể dựa vào nhu cầu cụ thể của máy bay chiến đấu, điều chỉnh các thông số để sử dụng điện năng cho phù hợp, có thể phóng các loại máy bay từ máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đến máy bay không người lái cỡ nhỏ.

Trong khi đó, máy phóng hơi nước không thể phóng máy bay không người lái cỡ nhỏ. Lượng công việc quản lý, điều khiển, duy tu, bảo dưỡng của máy phóng điện từ cũng ít hơn nhiều so với máy phóng hơi nước.

Hiện nay, Mỹ rất hài lòng với máy phóng điện từ, đồng thời cũng cho rằng có thể nâng cao hiệu quả khả năng tác chiến cho tàu sân bay tương lai của Ấn Độ. Mỹ cho rằng máy phóng điện từ có ưu thế hơn máy phóng hơi nước khoảng 30%. Hơn nữa, vấn đề lắp ráp nó cho tàu sân bay tự chế của Ấn Độ là không lớn.

Nhưng ý định sử dụng máy phóng điện từ của Mỹ cho tàu sân bay tương lai của Ấn Độ là không hề đơn giản, bởi vì: Thứ nhất, tàu sân bay INS Vikrant do Ấn Độ đang chế tạo không theo kịp, không thể sử dụng máy phóng điện từ.

Ấn Độ là nước có thời gian sử dụng tàu sân bay dài nhất ở châu Á, nhưng khả năng nghiên cứu chế tạo tàu sân bay rất hạn chế. Tàu sân bay tự chế mới INS Vikrant đã cơ bản chế tạo xong thân tàu, cho nên không có nhiều khả năng thay đổi thiết kế để lắp máy phóng điện từ, càng chưa muốn nói đến lắp các thiết bị phát điện, dự trữ năng lượng và điều khiển phức tạp cần thiết cho máy phóng điện từ.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford CVN 78 Mỹ (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford CVN 78 Mỹ (ảnh tư liệu)

Sau vài năm hạ thủy, đến nay, tàu sân bay INS Vikrant vẫn chưa hoàn thành công tác lắp ráp bất cứ thiết bị chính nào, vẫn là một chiếc vỏ nổi trên mặt nước. Trong khi đó, tiến độ của tàu sân bay tự chế mới (Type 001A) của Trung Quốc lại nhanh hơn, cho dù thời gian khởi công chế tạo chậm hơn.

Thứ hai, tàu sân bay tương lai của Ấn Độ đang được “quy hoạch”, nhưng “không thời hạn”.

Sau tàu sân bay INS Vikrant, phiên bản tàu sân bay thế hệ tiếp theo của Ấn Độ chính là tàu sân bay INS Vishal lớp 65.000 tấn. Về lý thuyết, tàu sân bay này có kích cỡ và khả năng chỉ sau tàu sân bay động cơ hạt nhân của Mỹ, tương đối thích hợp khi lắp máy phóng điện từ của Mỹ.

Nhưng, Ủy ban Mua sắm quốc phòng của Bộ Quốc phòng Ấn Độ mãi đến tháng 5 năm 2015 mới cấp 300 triệu rupee để khởi động chương trình này. Sau đó, Ấn Độ bắt đầu đưa ra bản thuyết minh cho nhà máy chế tạo tàu sân bay của các nước.

Rõ ràng, tàu sân bay này cần tới vài năm nữa mới có thể bước vào giai đoạn thiết kế toàn diện. Xét tới sự chậm trễ của các chương trình công nghiệp quân sự quan trọng của Ấn Độ, tàu sân bay này bàn giao sử dụng vào năm 2030 là một dự đoán tương đối lạc quan.

Nếu thực sự muốn lắp máy phóng điện từ cho tàu sân bay INS Vishal, nhà máy đóng tàu của Ấn Độ có đảm đương được hay không là điều gây nghi ngờ, có lẽ cần phải giao toàn bộ chương trình này cho nhà máy đóng tàu nước ngoài.

Thứ ba, máy phóng điện từ cần động cơ hạt nhân của tàu sân bay. Ấn Độ đã đưa ra yêu cầu với Mỹ về sở hữu công nghệ động cơ hạt nhân tàu sân bay. Đây chính là một vấn đề nhạy cảm nhất.

Mặc dù máy phóng điện từ có thể được tổ hợp động cơ thông thường của tàu sân bay cung cấp điện, nhưng Ấn Độ mong muốn có tàu sân bay tương lai có trọng tải tương đối lớn, máy bay chiến đấu trên tàu sân bay sẽ có trọng lượng không nhỏ quá, chắc chắn sẽ lớn hơn máy bay chiến đấu MiG-29 hiện nay. Vì vậy, tốt nhất là tàu sân bay được trang bị động cơ hạt nhân.

Máy bay chiến đấu tấn công liên hợp tàng hình F-35C hạ cánh trên tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Nimitz (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu tấn công liên hợp tàng hình F-35C hạ cánh trên tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Nimitz (ảnh tư liệu)

Mỹ có thái độ “e dè” về công nghệ mang tính chiến lược này, hoàn toàn không thể dễ dàng chuyển nhượng nó cho nước ngoài, càng không muốn nói tới Ấn Độ, một nước hay thay đổi việc xác định vị thế chính trị quốc tế của mình.

Xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Mỹ cũng có các quy định phức tạp, cộng với các hoạt động mở rộng vũ khí hạt nhân của Ấn Độ trong những năm gần đây, dẫn đến việc xuất khẩu công nghệ này sẽ chịu sức ép phản đối to lớn từ trong và ngoài nước Mỹ.

Điều này làm cho Ấn Độ và Mỹ đều không đề cập đến vấn đề xuất nhập khẩu động cơ hạt nhân tàu sân bay trong hội nghị công tác, thậm chí không đưa vào chương trình hội nghị.

Thứ tư, Ấn Độ nhập khẩu máy phóng điện từ không có lợi cho phát triển sức chiến đấu tự thân. Gần đây, có nhiều thông tin từ Trung Quốc cho rằng máy phóng điện từ tàu sân bay do Trung Quốc tự chế đã tiếp cận giai đoạn sử dụng thực tế.

Thậm chí, trong hình ảnh vệ tinh thương mại đã cho thấy máy phóng đã phối hợp sử dụng với máy bay không người lái cỡ nhỏ (máy bay tác chiến không người lái Dực Long hoặc Thái Hồng).

Trong khi đó, Ấn Độ nếu tiếp tục nhập khẩu trực tiếp, coi nhẹ các nỗ lực tự nghiên cứu, cuối cùng cũng sẽ chỉ trở thành người tiêu dùng công nghệ tiên tiến của Mỹ, sẽ không phát triển được khả năng chiến đấu tự chủ ở cấp độ cao.

Trong thời đại quan hệ quốc tế thay đổi nhanh chóng hiện nay, dựa vào sự chi viện công nghệ quân sự trực tiếp của nước lớn đồng nghĩa với việc sẽ bị kiềm chế từ nước lớn đó trong các quyết sách chiến lược quan trọng của quốc gia. Về điểm này, Trung Quốc đã bỏ xa Ấn Độ.

Hai tàu sân bay hiện có của Ấn Độ (ảnh tư liệu)
Hai tàu sân bay hiện có của Ấn Độ (ảnh tư liệu)

Nói tóm lại, so với công tác chế tạo tàu sân bay tổng thể của Trung Quốc, bao gồm phát triển công nghệ phóng điện từ, các nỗ lực hiện nay của Ấn Độ còn mới sơ khai và nhiều hạn chế.

Trực tiếp mua máy phóng điện từ của Mỹ có thể giúp Hải quân Ấn Độ nhanh chóng có được trang bị kỹ thuật đỉnh cao thế giới, nhưng nếu Ấn Độ không dự định trao toàn bộ chương trình tàu sân bay tương lai cho doanh nghiệp nước ngoài thì việc tiến hành phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan, nhà máy trong nước với các đối tác nước ngoài cũng như việc chế tạo thành công tàu sân bay xuất sắc trong tương lai là điều rất đáng nghi ngờ - Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc kết luận.