Ấn Độ tăng mạnh mua sắm vũ khí quân sự, chỉ đứng sau Saudi Arabia

VietTimes -- Những năm gần đây, xu thế đa dạng hóa nguồn cung ứng vũ khí trang bị của Ấn Độ được cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ chỉ ra rất rõ ràng, nước được lợi chính là Mỹ và Nga sẽ đối mặt với cuộc cạnh tranh mới.
Máy bay chiến đấu Su-30MKI Không quân Ấn Độ, mua của Nga (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu Su-30MKI Không quân Ấn Độ, mua của Nga (ảnh tư liệu)

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 12 tháng 1 dẫn các nguồn tin từ Ấn Độ cho hay một báo cáo mới nhất của Quốc hội Mỹ cho biết trong thời điểm Ấn Độ khởi động chương trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn, nước này đã trở thành khách hàng vũ khí lớn thứ hai trong các nước đang phát triển, chỉ đứng sau Saudi Arabia.

Theo tờ Hindustan Times Ấn Độ, báo cáo "Chuyển nhượng vũ khí thông thường đối với các nước đang phát triển từ năm 2008 - 2015" cho biết, trong giai đoạn 2008 - 2015, Ấn Độ đã mua 34 tỷ USD trang bị quân sự, mặc dù xếp thứ hai về nhập khẩu vũ khí, nhưng thấp hơn nhiều so với Saudi Arabia với 93,5 tỷ USD.

Được biết, cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ là một cơ quan nghiên cứu độc lập đại diện cho hai đảng, trực thuộc Quốc hội Mỹ. Cơ quan này căn cứ vào các vấn đề có liên quan, thảo ra báo cáo, cung cấp cho các nghị sĩ xem xét để các nghị sĩ đưa ra quyết định sáng suốt.

Báo cáo của cơ quan nghiên cứu Quốc hội hoàn toàn không được cho là báo cáo chính thức của Quốc hội Mỹ.

Báo cáo này cho biết: "Saudi Arabia là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu trong các nước đang phát triển trong giai đoạn 2008 - 2015, trong thời gian 7 năm tổng kim ngạch đạt được thỏa thuận mua vũ khí là 93,5 tỷ USD.

Máy bay chiến đấu Mirage-2000 của Không quân Ấn Độ, do Pháp chế tạo (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu Mirage-2000 của Không quân Ấn Độ, do Pháp chế tạo (ảnh tư liệu)

Ấn Độ là khách hàng mua sắm vũ khí lớn thứ hai trong các nước đang phát triển cùng kỳ, tổng kim ngạch các thỏa thuận chuyển nhượng vũ khí đạt được là 34 tỷ USD".

Báo cáo còn cho biết thêm, những tăng trưởng này đã phản ánh Ấn Độ tìm cách tiến hành hiện đại hóa quân sự.

Trong báo cáo, cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ đặc biệt chú ý tới việc Ấn Độ gần đây đã đa dạng hóa mua sắm trang bị quân sự, Mỹ trở thành người được lợi chính của chính sách này.

Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ chỉ ra: "Điều đáng chú ý là mặc dù Ấn Độ là khách hàng chủ yếu của vũ khí  Nga, nhưng nước này những năm gần đây luôn tìm cách tiến hành đa dạng hóa nguồn cung vũ khí".

"Năm 2004, Ấn Độ mua máy bay cảnh báo sớm Falcon của Israel. Năm 2005 mua rất nhiều trang bị của Pháp, nhất là 6 tàu ngầm tấn công diesel lớp Scorpene. Năm 2008, Ấn Độ đã mua 6 máy bay vận tải C-130J của Mỹ".

Năm 2010, Anh bán cho Ấn Độ 57 máy bay huấn luyện phản lực Falcon trị giá 1 tỷ USD. Cùng năm, Italy cũng bán cho Ấn Độ 12 máy bay trực thăng AW101.

Báo cáo cho biết, năm 2011 Pháp đã nhận được hợp đồng nâng cấp 51 máy bay chiến đấu Mirage-2000 của Ấn Độ, trị giá 2,4 tỷ USD. Mỹ đồng ý bán cho Ấn Độ 10 máy bay vận tải C-17 Globemaster III trị giá 4,1 tỷ USD.

Tàu ngầm INS Kalvari lớp Scorpene Ấn Độ, công nghệ Pháp (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm INS Kalvari lớp Scorpene Ấn Độ, công nghệ Pháp (ảnh tư liệu)

Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết: "Xu thế mua sắm vũ khí này của Ấn Độ cho thấy, trong mua sắm vũ khí tương lai của Ấn Độ, Nga rất có khả năng sẽ đối mặt với cạnh tranh mới từ các nước cung ứng vũ khí chủ yếu khác, hơn nữa họ không còn có thể khẳng định Ấn Độ sẽ luôn mua sắm các trang bị chủ yếu của mình".

Trên thực tế, trong đấu thầu quốc tế máy bay chiến đấu thế hệ mới năm 2011, Ấn Độ đã bỏ qua Nga, người trúng thầu cuối cùng là Pháp. Năm 2015, Nga và Ấn Độ đã bàn bạc một thỏa thuận, căn cứ vào thỏa thuận này Ấn Độ sẽ mua ít nhất 200 máy bay trực thăng Ka-226T.

Cùng với việc Ấn Độ giảm lệ thuộc vào Nga về mua sắm vũ khí, Nga đang tìm đường ra khác cho việc xuất khẩu vũ khí của họ.