800 năm trước Trung Quốc mới là bá chủ thế giới về cả kinh tế và khoa học kỹ thuật?

Nhưng kể từ khi có sự xuất hiện của nước Mỹ, Trung Quốc vẫn mãi chỉ là kẻ về nhì.
Thủy sư Đô đốc Trịnh Hòa
Thủy sư Đô đốc Trịnh Hòa

Vào giai đoạn đầu của thời kỳ phục hưng, các nền kinh tế ở châu Âu không là gì khi so với Trung Quốc.

Theo tổng hợp của nhà lịch sử kinh tế Eric L. Jones, 800 năm trước Trung Quốc là quốc gia hàng đầu về kinh tế và công nghệ. "Vào thế kỷ 14, Trung Quốc đã gần như là một quốc gia công nghiệp hóa".

Vào đầu thế kỷ 15, Trung Quốc đã có la bàn, kỹ thuật ấn loát hoạt tự và lực lượng hải quân hùng mạnh. Thủy sư Đô đốc Trịnh Hòa đã thực hiện những cuộc hành trình vạn lý đến Đông Nam Á, Nam Á và Đông Phi từ khoảng năm 1405-1433 - tức khoảng 1 thế kỷ trước khi người Bồ Đào Nha tìm ra Ấn Độ. Ông cũng sở hữu con tàu dài hơn gấp mấy lần con tàu Santa Maria - con tàu lớn nhất trong đoàn tàu của Columbus vượt Đại Tây Dương.

Kể từ đó đến nay là một quãng thời gian quá dài, đủ để những câu chuyện về một nền kinh tế - công nghệ bá chủ thế giới trở thành giai thoại. Trung Quốc của thời hiện đại chưa bao giờ thoát khỏi cái bóng về nhì và cũng không phải là cái nôi sản sinh ra những phát kiến hàng đầu trên thế giới.

Trong một báo cáo gửi đến khách hàng, nhà nghiên cứu Viktor Shvets của Macquarie Research đã tổng hợp 2 bảng số liệu cho thấy những thay đổi giật mình mà nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua trong suốt 800 năm qua.

Bảng số liệu đầu tiên tóm tắt % đóng góp của các nền kinh tế trên thế giới.

Vào thế kỷ 15 và 16, Trung Quốc chiếm khoảng 25-30% nền kinh tế toàn cầu. Nhưng đến khoảng 1950-1970, sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc và dưới thời điều hành của Chủ tịch Mao Trạch Đông, con số này đã giảm giật mình chỉ còn dưới 5%. Năm 2015, nền kinh tế Trung Quốc chiếm khoảng 17% nền kinh tế toàn cầu - gần bằng với Mỹ.

Bảng thứ 2 so sánh GDP trên đầu người tại Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ so với GDP/đầu người của Anh với đơn vị tính là đô la quốc tế năm 1990. Trong tình huống này, GDP/đầu người của Anh trong mỗi năm là đơn vị chuẩn (100).

Với thước đo này, Shvets viết rằng, Trung Quốc là nền kinh tế giàu có nhất thế giới trong thế kỷ 12, 13 - không kể Ý. Ngay cả đến cuối thế kỷ 16, Trung Quốc cũng gần như đứng ngang hàng với Anh. Tuy nhiên, sau đó chỉ số này liên tục lao dốc cho đến năm 1970, sau đó tăng từ năm 1990 đến nay nhưng vẫn chưa thể quay trở về mức huy hoàng của 800 năm về trước.

Điều thú vị là, Nhật Bản cũng lâm vào chuỗi suy thoái như Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 1200 đến năm 1950 - khi mà GDP/ đầu người của Nhật Bản ở khoảng 28% so với Anh. Tuy nhiên không giống như Trung Quốc, Nhật Bản đã hồi phục nhanh chóng và chỉ số GDP/đầu người của quốc gia này từ năm 1970 đến nay là tương đương với Anh.

Một điều đặc biệt khác đó là, xét về tổng thể thì nền kinh tế Trung Quốc là đối thủ của Mỹ, nhưng GDP/đầu người của quốc gia này lại ngày càng thấp đi. Trong khi đó, tỷ trọng nền kinh tế Nhật Bản trên toàn cầu đặc biệt thấp hơn cả Mỹ và Trung Quốc, GDP/đầu người của Nhật Bản lại tương đương với Anh - lớn hơn nhiều so với Trung Quốc.

Tóm lại, Shvets nói rằng "hầu hết sự suy giảm đều xuất hiện từ thế kỷ 18 trở đi, cùng với sự tăng tốc cuộc cách mạng công nghiệp hóa mở ra một kỷ nguyên mới của tăng trưởng năng suất nhanh hơn".

Theo Trí thức trẻ