5.433 cán bộ, công chức bị tinh giản biên chế đợt 1 năm 2016

Theo báo cáo, trong đợt 1 năm 2016, cả nước có 1 Bộ ngành, 13 tỉnh thành đề nghị giải quyết tinh giản biên chế với số đối tượng tinh giản là 5.433 người
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng lao động trong khu vực nhà nước được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, năm qua, bám sát định hướng, quan điểm về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục hoàn thiện chính sách, thể chế về tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương.

Năm 2015, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó đã làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, cũng như phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; có sự phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương.

Bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; tạo điều kiện minh bạch hóa tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, làm cho bộ máy hành chính tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP).

Ngày 23/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ NSNN của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016.

Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ NSNN năm 2016 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) là 272.952 biên chế; tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù là 686 biên chế.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện rà soát, sắp xếp lại biên chế hiện có theo vị trí việc làm, điều chỉnh biên chế từ nơi thừa sang nơi thiếu, đề ra phương án giải quyết số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp lại theo quy định nhằm đảm bảo không tăng tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức.

Theo báo cáo, đến năm 2015, đã có 14 Bộ, ngành, 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tinh giản biên chế năm 2015 và 1 Bộ, ngành, 13 tỉnh, thành phố đề nghị giải quyết tinh giản biên chế đợt I năm 2016 với số đối tượng tinh giản là 5.433 người.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý cán bộ, công chức, viên chức, năm 2015 Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức và đạt được những kết quả quan trọng như: Công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm, theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật; việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực;

Một số Bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh việc áp dụng phần mềm thi trực tuyến trong công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, viên chức, có nhiều đổi mới về cách ra đề, về nội dung đánh giá, chú trọng vào kiểm tra năng lực, kỹ năng của công chức, có nhiều biện pháp phòng chống tiêu cực, qua đó đảm bảo lựa chọn được những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực tuyển dụng vào công chức, được dư luận xã hội đánh giá cao (như Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Tuyên Quang, Thái Bình, Thanh Hoá và Bộ Tài chính, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh…).

Theo báo cáo của Chính phủ, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập được các Bộ, ngành, địa phương tập trung nỗ lực hoàn thành.

"Tính đến năm 2015, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đạt 100%); 23/33 Bộ, ngành (đạt 70%) đã hoàn thành xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã phê duyệt và triển khai các Đề án khác như: Đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ lãnh đạo chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi; quy định chính sách đào tạo sau đại học, thu hút nhân tài, thu hút người có trình độ đại học loại giỏi về công tác tại địa phương...qua đó, đã từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, hiệu quả công việc được nâng lên", trích báo cáo của Chính phủ.

Theo Infonet