50% dân số đã ngừng thu sóng truyền hình analog

VietTines -- Dân số thuộc các địa bàn chuyển đổi sóng truyền hình số mặt đất chiếm gần 50% dân số cả nước, có thể thu được 26 kênh đến 70 kênh, với 5 - 7 kênh truyền hình độ nét cao HDTV, chất lượng, số lượng các kênh chương trình truyền hình đã được nâng cao rõ rệt. 
Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất tại khu vực Nam bộ do Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức gần đây.

Theo Bộ TT&TT,  việc số hoá truyền hình số mặt đất hiện đã triển khai được 05 thành phố trực thuộc Trung ương gồm thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ và 08 tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Hậu Giang, Vĩnh Long (nhóm I) đã hoàn thành việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất và chuyển đổi sang phủ sóng truyền hình số.

Theo ước tính, dân số thuộc các địa bàn chuyển đổi nêu trên chiếm gần 50% dân số cả nước và được người dân đánh giá cao, chưa có dư luận trái chiều. Việc phủ sóng truyền hình số mặt đất, số lượng kênh người dân có thể thu được từ 26 kênh đến 70 kênh (trong đó có 5 đến 7 kênh truyền hình độ nét cao HDTV), chất lượng, số lượng các kênh chương trình truyền hình đã được nâng cao rõ rệt. Đến thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 530.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ trong vùng ảnh hưởng của việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại các tỉnh, thành phố nêu trên.

Thực hiện kế hoạch số hóa và kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo số hóa Trung ương, 15 tỉnh tiếp theo thuộc nhóm II đang tích cực triển khai tất cả các công tác liên quan và sẽ chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất, ngừng phát sóng truyền hình tương tự trước ngày 01-7-2017. Từ việc triển khai ở các tỉnh, thành phố ở nhóm I cho thấy hiện nay đã có các điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh công tác số hóa truyền hình, bao gồm: Thị trường cung cấp, thiết bị thu truyền hình số mặt đất có nhiều mẫu thiết bị đã công bố hợp quy, giá cả ngày càng hạ; vùng phủ sóng truyền hình mặt đất ngày càng được mở rộng, do đó người dân ở các tỉnh nhóm II cũng mong muốn sớm được chuyển đổi sang xem truyền hình số mặt đất để có thể thưởng thức được rất nhiều kênh truyền hình chất lượng cao mà không phải trả phí.

Trên cơ sở các điều kiện thuận lợi nêu trên, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Trung ương đã kết luận đẩy mạnh công tác triển khai số hóa truyền hình mặt đất tại các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau (nhóm III) và dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ ngày 31-12-2017, qua đó đề nghị các tỉnh nêu trên sớm triển khai phủ sóng DVB-T2; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo kế hoạch ngừng phát sóng truyền hình tương tự; lặp kế hoạch rà soát, tổng hợp số liệu hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm ghi nhận và đánh giá cao các tỉnh ở nhóm III đã chủ động triển khai thực hiện Đề án số hóa truyền hình tại địa phương; các ý kiến phát biểu có sự thống nhất cao trong tổ chức thực hiện theo lộ trình của Trung ương đề ra; đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, làm tốt công tác phối hợp, hỗ trợ kịp thời đối với các địa phương: Tổ chức tập huấn; cung cấp tài liệu tuyên truyền; hướng dẫn cụ thể việc lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ vì đây là chính sách an sinh xã hội, phải thực hiện đúng, đủ, chính xác…

Đồng thời, đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan báo chí, nhất là hệ thống thông tin cơ sở ở địa phương dành chuyên trang, chuyên mục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết và chủ động thực hiện; lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo sớm gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương; việc tổ chức phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu là nhiện vụ của địa phương phải tuân thủ đúng các quy định của Chính phủ; quy hoạch lại Đài Phát thanh và Truyền hình (theo hướng thuê dịch vụ bên ngoài), đây là vấn đề khó, các tỉnh cần quyết liệt triển khai. Đề nghị SDTV thực hiện đúng nội dung giấy phép đã được cấp; đẩy nhanh tiến độ, có cam kết với các tỉnh đảm bảo thực hiện đúng lộ trình.

Đối với Đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh có kế hoạch làm rõ chi phí về phần phát sóng và phần nội dung để thuyết minh với lãnh đạo tỉnh, đặc biệt kế hoạch kinh phí 2018 để sớm được phê duyệt; sớm có phương án thuê đơn vị truyền dẫn, phát sóng và ghi nhận các đề xuất của các tỉnh sẽ có đề xuất với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính cấp thêm kinh phí để hỗ trợ đầu thu phát sóng vệ tinh cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi sóng truyền hình chưa tới được.