4G “lên ngôi” ở châu Phi

VietTimes -- Thị trường viễn thông châu Phi hiện chủ yếu vẫn là các gói cước 2G, nhưng những kết nối di động tốc độ cao 4G đang nhanh chóng mở rộng. Năm 2015, gói cước di động 4G chiếm 25% thị trường, và ước tính sẽ lên 60% vào năm 2020.
4G hiện đã có ở 24 quốc gia châu Phi.
4G hiện đã có ở 24 quốc gia châu Phi.

Những con số mà Hiệp hội GSM toàn cầu công bố tại Tanzania thực sự rất đáng lưu tâm. Theo báo cáo của GSMA, vào cuối năm 2015, gần một nửa trong số 1,17 tỷ dân của châu Phi (cụ thể là 557 triệu người) đã sử dụng ĐTDĐ. Họ chiếm 12% trong tổng số thuê bao toàn cầu, chiếm 6% doanh thu – đạt mức tăng 70% so với những con số được GMSA công bố cách đây 5 năm.

2 đặc điểm chính về người dùng di động châu Phi là họ thích dùng các gói di động trả trước, và trung bình mỗi một thuê bao sở hữu 1,92 thẻ SIM.

Bỏ ra một bên những vấn đề mà xu hướng sử dụng di động này gây ra, như tính xác thực thuê bao và thông tin người dùng, số liệu trên cho thấy thị trường thẻ SIM ở đây là khổng lồ – có gần 1 tỷ (965 triệu) thẻ SIM được bán ra vào cuối năm 2015, và dự tính sẽ là 1,3 tỷ vào cuối năm 2020.

Với sức tăng trưởng này, đến năm 2020 sẽ có 730 triệu thuê bao cá nhân tại châu Phi. Tất nhiên, con số cụ thể của mỗi nước đều khác nhau. Chẳng hạn, dữ liệu năm 2014 cho thấy 5 quốc gia hàng đầu về sử dụng di động tại châu Phi là Nigeria, Ai Cập, Nam Phi, Ethiopia và Cộng hòa Congo, chiếm khoảng 44% tổng châu lục, trong khi 30 quốc gia đứng dưới bảng chỉ chiếm 10%.

Điện thoại cố định tại châu Phi có mức tăng trưởng kém trong nửa sau của thế kỷ 20, và điều này dường như càng kích thích nhu cầu sử dụng di động. Ngoài ra, thị trường viễn thông châu Phi hiện chủ yếu vẫn là các gói cước 2G, nhưng những kết nối di động tốc độ cao của 4G cũng đang manh nha. Năm 2015, gói cước di động 4G chiếm 25% thị trường, và ước tính sẽ lên 60% vào năm 2020.

50% mạng lưới 4G hiện nay tại châu Phi mới được đưa vào sử dụng 2 năm, và 4G hiện đã có ở 24 quốc gia châu Phi.

Doanh số smartphone chiếm 23% thị trường di động. Doanh số này dự kiến sẽ tăng khi cơ sở hạ tầng được hiện đại hóa và độ phủ mạng lưới cải thiện, cũng như khi các  mẫu điện thoại thông minh giá rẻ từ châu Á tràn về. Hiện nay, điện thoại giá rẻ chiếm 50% thị trường.

Tiềm năng tăng trưởng doanh thu trên mỗi thuê bao di động tại châu Phi vẫn rất cao, đặc biệt khi so với những con số ở châu Âu hay Bắc Mỹ. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào nhiều lựa chọn gói cước, vào độ phủ mạng lưới rộng hơn và chất lượng dịch vụ phải cao hơn. Ước tính doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao châu Phi là 8,44 USD/tháng.

Người tiêu dùng châu Phi, cũng như những nơi khác trên thế giới, có nhu cầu cao và minh bạch. Họ cần những gói cước di động rõ ràng, tin cậy và chất lượng. Ngoài mạng lưới tin cậy, họ còn yêu cầu gói cước phải có chất lượng tin nhắn, âm thanh, tốc độ dữ liệu tốt, và đặc biệt là có thanh toán điện tử, bảo hiểm điện tử và học tập điện tử.

Nhưng có một số yếu tố khiến thị trường di động tại châu Phi chưa phát triển. Chẳng hạn, độ phủ sóng còn thấp, các khu vực nông thôn vẫn chưa được phục vụ, hay ít gói cước phù hợp nên lựa chọn của người tiêu dùng còn hạn chế. Những bất ổn trong mạng lưới nhà cung cấp do các vấn đề kỹ thuật, tài chính hoặc cơ cấu cũng là lý do giải thích trung bình một người sở hữu 2 SIM, cũng như sự phổ biến của các loại máy điện thoại 2 SIM.

Ngoài ra, GSMA còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một khung pháp lý mới đối với hệ sinh thái kỹ thuật số, các ảnh hưởng của thuế đối với sự phát triển dịch vụ di động tại Congo, Ghana, Tanzania và Tunisia.

Nhìn chung, châu Phi đang được xem là khu vực tiềm năng tăng trưởng lớn nhất, và đó chính là miếng bánh mới cho các hãng viễn thông quốc tế.

Theo CNN