25% người dùng dịch vụ thương mại điện tử "chê" dịch vụ giao hàng

VietTimes -- Hiện dân số sử dụng Internet của Việt Nam xấp xỉ 50 triệu người, với khoảng 75% đã từng mua sắm trực tuyến. Tuy vậy, gần 25% khách hàng sử dụng dịch vụ thương mại điện tử phàn nàn về dịch vụ giao hàng của các đơn vị cung cấp.
Hiện nay thương mại điện tử của Việt Nam đã bước sang giai đoạn phát triển nhanh.
Hiện nay thương mại điện tử của Việt Nam đã bước sang giai đoạn phát triển nhanh.

Đó là những con số được công bố về thực trạng thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) tại Hội thảo "Dịch vụ hoàn tất đơn hàng 2016" diễn ra ngày 24/10, do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM, dịch vụ hoàn tất đơn hàng ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, mức độ chuyên nghiệp hóa, hình thức thanh toán, cước phí chuyển hàng... Đặc biệt các doanh nghiệp vẫn chưa đẩy mạnh việc tiếp cận với các công nghệ tiên tiến như di động và điện toán đám mây.

Trong khi theo khảo sát của Bộ công thương, dân số sử dụng Internet của Việt Nam xấp xỉ 50 triệu người, trong số đó có khoảng 3/4 người đã từng mua sắm trực tuyến. Hiện nay thương mại điện tử của Việt Nam đã bước sang giai đoạn phát triển nhanh. Giai đoạn này, dịch vụ chuyển phát nói riêng và dịch vụ hoàn tất đơn hàng chiếm vị trí quan trọng, là động lực để hình thức thương mại tiên tiến này thể hiện được ưu thế về sự thuận tiện, hiệu quả, một mặt giảm chi phí của người bán, mặt khác tăng sự thỏa mãn của người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, "dịch vụ chuyển phát chưa theo kịp xu hướng TMĐT. Tỷ lệ rất cao người tiêu dùng không hài lòng với chất lượng dịch vụ chuyển phát", ông Nguyễn Thanh Hưng nhận định.

Đồng quan điểm, bà Lương Tú Anh, Giám đốc Mắt Bão Hà Nội, cung cấp số liệu cụ thể hơn: Có tới 24,9% khách hàng phàn nàn về dịch vụ giao hàng của các đơn vị cung cấp dịch vụ TMĐT.

Bên cạnh đó xu hướng của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đang hướng tới sự chuyên môn hóa cao. Người bán hàng tập trung nguồn lực vào các hoạt động dẫn người mua tới giao kết hợp đồng trực tuyến. Các dịch vụ liên quan tới thực hiện hợp đồng hay hoàn tất đơn hàng như lưu kho, đóng gói, chuyển phát, thanh toán, nhận hàng trả lại… đều có xu hướng đi thuê bên ngoài. Do đó, rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến với các doanh nghiệp hoàn tất đơn hàng theo hướng chuyên môn hóa, khi mà phần lớn dịch vụ hoàn tất đơn hàng được thuê ngoài.

Theo lãnh đạo VECOM, dịch vụ hoàn tất đơn hàng sẽ là "mảnh ghép" cuối cùng trong thương mại điện tử tại Việt Nam. Việc hoàn thiện "mảnh ghép" này càng nhanh chóng thì thương mại điện tử trong nước sẽ càng phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Khẳng định tiềm năng phát triển của thương mại điện tử, ông Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện EMS cho biết: "Thương mại điện tử chính là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy lĩnh vực bưu chính cũng như quá trình chuyển phát hàng hóa và các hoạt động logistics. Đặc biệt kể từ năm năm 2016 này, thương mại điện tử nước ta sẽ bước sang giai đoạn phát triển rất nhanh chóng. Đây là cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng.