20 năm cuộc đời Internet Explorer: Từ kẻ lật đổ đột phá đến gục chết trong trì trệ

Tại sự kiện phát hành Windows 10, Microsoft cũng chính thức ra mắt một trình duyệt mới hoàn toàn. Với Cortana tích hợp và khả năng ghi chú trực tiếp vào nội dung web, Edge là niềm hy vọng mới của Microsoft trên chiến trường trình duyệt PC đã nguội lạnh.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Đây cũng là điểm kết thúc của Internet Explorer. IE 11 vẫn còn đó trên Windows 10, nhưng chỉ là để giúp đỡ cho những trang web doanh nghiệp xưa cũ có thể tiếp tục sống thoi thóp. Nếu bạn hỏi bất cứ một người tiêu dùng bình thường nào về trình duyệt trên Windows 10, chắc chắn câu trả lời của họ sẽ là Chrome, Edge hoặc Firefox. Nhiều người trong số này vẫn sẽ lắc đầu dè bỉu khi nhắc đến IE.

Thời đại Internet Explorer đã trôi qua, tiếng xấu của Internet Explorer vẫn còn đó. Nhưng vào thế kỷ trước, trình duyệt này đã từng là đại diện cho khả năng sáng tạo vượt trội của công ty công nghệ số 1 hành tinh.

Tim Berners Lee tạo ra WWW trên một chiếc máy NEXT của Steve Jobs.

2 năm sau khi Tim Berners-Lee sáng tạo ra World Wide Web, một loạt các trình duyệt đã ra mắt để đưa người dùng khai phá thế giới HTML hoang sơ. Năm 1993, Trung tâm NCSA, Đại học Ilinois Urbana-Champaign ra mắt một sản phẩm đột phá có tên Mosaic.

Từ bỏ nền Unix khó sử dụng để đặt chân lên Windows và cũng là trình duyệt đầu tiên hỗ trợ đồ họa cho các trang web vẫn đang mang hình dạng văn bản nhàm chán, Mosaic đã đưa WWW từ một phát minh vô danh trở thành thế giới Internet đầy màu sắc của chúng ta ngày hôm nay.

Nhưng lịch sử không cho phép người hùng Mosaic được thống trị lâu dài. Năm 1994, một trong các vị cha đẻ của Mosaic là Marc Andreeseen tách ra thành lập một công ty mới có tên Mosaic Communications. Sau này, Mosaic Communications được đổi tên thành Netscape Communications để tránh các mâu thuẫn pháp lý với NCSA.

Mosaic, trình duyệt "chất lượng" đầu tiên của lịch sử.

Nhờ phát huy được đầy đủ các thế mạnh của tiền bối Mosaic nhưng lại được cung cấp miễn phí (cho người dùng cuối), trình duyệt Netscape nhanh chóng đẩy lùi đàn anh và trở thành ông hoàng thống trị thế giới web vào năm 1995 với thị phần 80%. Bị giết chết bởi chính cha đẻ, Mosaic mất hết thị phần và bị NSCA chấm dứt vào đầu năm 1997.

Những tưởng Mosaic sẽ chìm vào dĩ vãng nhưng ngay từ khi vẫn còn đang ngự trị trên đỉnh cao, NCSA đã tìm được một đối tác nhượng quyền có tên Spyglass. Bản thân Spyglass lại sử dụng ý tưởng của NCSA để phát triển một bản Mosaic của riêng mình với mã nguồn hoàn toàn mới. Cả hai phiên bản này sau đó đều được Spyglass nhượng quyền cho Microsoft.

Internet Explorer 1.0.

Là một phần mềm "không chính chủ" nên Internet Explorer sẽ sớm mang lại cho Microsoft nhiều phiền toái. Theo thỏa thuận ban đầu giữa hai bên, Spyglass sẽ được nhận một khoản tiền định kỳ mỗi quý và cũng sẽ được Microsoft chia phần trăm lợi nhuận từ IE. Dù vậy, gã khổng lồ phần mềm lại mạnh tay cung cấp Internet Explorer hoàn toàn miễn phí và do đó chỉ trả cho Spyglass khoản chi phí định kỳ. Bị "hớ", Spyglass dọa kiện Microsoft ra tòa, buộc Bill Gates phải "xoa dịu" với khoản đền bù trị giá 8 triệu USD.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng Microsoft đã một lần nữa biến thành quả của một công ty khác trở thành thành công của riêng mình như đã từng làm với DOS và Windows. Sau 2 phiên bản Internet Explorer 1.0 và 1.5 khá mờ nhạt, bắt đầu từ IE 2.0 Microsoft đã từ bỏ engine của Spyglass và chuyển sang sử dụng một bộ engine tự thiết kế từ đầu. Trong giai đoạn này, Microsoft vẫn đang phải tích cực bám đuổi Netscape với các tính năng do đối thủ tiên phong như mã hóa SSL, cookie, trình duyệt mail tích hợp sẵn. Thậm chí, IE còn tiên phong cho khả năng... sao chép bookmark từ đối thủ.

Trong một năm, thị phần của IE 2.0 tăng gấp 3 lần nhưng vẫn chỉ đạt vỏn vẹn 9%. Kẻ thống trị Netscape Navigator vẫn đang chiếm 90% thị trường trình duyệt.

Netscape Navigator 1.0.

Ít ai biết rằng một gã khổng lồ như Microsoft cũng đã có thời là nạn nhân của độc quyền. Trước Microsoft phát hành IE 3.0, Netscape lợi dụng vị thế áp đảo để liên tục tung ra những thẻ HTML "độc đáo" chưa từng có. Các đối thủ cạnh tranh chưa kịp hỗ trợ hết các thẻ cũ thì Netscape đã tung ra tiếp thẻ mới, biến cuộc chiến trình duyệt trở thành một cuộc rượt đuổi không cân sức.

Đáng tiếc cho Netscape, Microsoft còn sở hữu một vũ khí lợi hại hơn nhiều: Windows. Tháng 8/1996, Microsoft bắt đầu tích hợp thẳng Internet Explorer 3.0 vào phiên bản Windows 95 bán tới các nhà sản xuất phần cứng.

Cơn sốt Windows 95.

Nói như vậy không có nghĩa rằng Microsoft chỉ biết dùng chiêu trò để vươn lên. Không chỉ đạt chất lượng ngang ngửa với Netscape, IE3 còn mang đến một tính năng sau này đã trở thành một trong 3 thành phần chủ chốt của trải nghiệm web: Cascading Style Sheets (CSS). Nhờ có công nghệ đột phá này, các lập trình viên không còn copy paste các đoạn code HTML giống nhau mà chỉ cần tạo ra các "khuôn" đại diện và tái sử dụng tùy ý. Đó là còn chưa kể tới các sáng tạo khác như ActiveX và Java Applet để đem lại trải nghiệm web phong phú hơn.

Windows 95.

Đặc biệt, IE3 đánh dấu sự xuất hiện của một phiên bản Javascript có tên "JScript". Lý do ra đời của JScript cũng khá phức tạp: JavaScript mang bản chất hoàn toàn khác biệt với ngôn ngữ Java của Sun nhưng lại được đặt tên chung để phát huy sức mạnh thương hiệu. Không muốn động đến "con troll bản quyền" Sun Microsystems (và sau này còn tồi tệ hơn là Oracle, công ty mua lại Sun), Microsoft sao chép gần như toàn bộ Javascript mã nguồn mở sang JScript để cung cấp cho IE.

Khoảng cuối năm 1997, Internet Explorer 3.0 đã thu được thị phần xấp xỉ 20%. Bất chấp cán cân vẫn đang lệch về phía Netscape, Microsoft đã thực sự tìm ra chìa khóa để thay đổi cuộc chơi: Windows và khả năng tự lực sáng tạo.

Trong sự kiện ra mắt Internet Explorer 4.0 tại San Francisco vào tháng 10/1997, Microsoft cũng vén màn một biểu tượng sau này sẽ gắn liền với IE: logo chữ E.

Nhân viên Microsoft mang "quà" đến nhà Netscape.

Netscape 72, Microsoft 18.

Sáng ngày hôm sau, nhân viên của Netscape phát hiện ra một logo chữ E màu xanh cao 3 mét nằm chễm chệ trước cửa trụ sở của họ. Tức giận, họ đạp đổ logo của Microsoft và dựng lên một chú khủng long "Mozilla" ("Mosaic" + "Godzilla") với tấm biển "Netscape 72, Microsoft 18" trước ngực.

Cũng giống như trường hợp của IE3, IE4 cũng mang đến nhiều đột phá về mặt công nghệ như Dynamic HTML (thay đổi web "động") và đặc biệt là bộ engine dựng hình hoàn toàn mới mang tên Trident. Chưa dừng lại ở đây, tính năng Active Desktop cho phép người dùng chèn nội dung HTML lên desktop không khác gì widget sau này. Cuộc đấu tính năng đã bắt đầu cân bằng hơn. Đây chính là lúc 2 logo "Best viewed in" bắt đầu xuất hiện, buộc các nhà sản xuất phải lựa chọn một trong hai phe Netscape và Internet Explorer. Vũ khí Windows được Microsoft tận dụng tối đa, đến mức ngay cả Windows 95 lẫn Windows NT 4 đều có tùy chọn biến Windows Explorer thành một "bản sao" của Internet Explorer.

Phiên tòa chống độc quyền nhắm vào Microsoft, 1998.

Tất cả những đột phá công nghệ này đều không có tác dụng quan trọng bằng một chính sách đã có từ IE2: Internet Explorer vẫn là phần mềm miễn phí cho tất cả các đối tượng người dùng, bao gồm cả các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của Microsoft vào mục đích thương mại. Cùng với IE4, thêm nhiều tính năng doanh nghiệp như Group Policy và NetMeeting ra mắt hoặc được cải thiện đáng kể.

Bằng cách này, Microsoft đã tạo ra gọng kìm siết chặt sự sống của Netscape: từ chỗ "kiếm ăn" bằng chi phí bản quyền từ các doanh nghiệp, Netscape nay buộc phải miễn phí hoàn toàn và do đó mất đi một nguồn doanh thu lớn. Theo lời phó chủ tịch Intel kể lại trong vụ kiện độc quyền của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ nhằm vào Microsoft năm 1998, các nhà lãnh đạo của gã khổng lồ phần mềm đã thẳng thừng tuyên bố sẽ "cắt nguồn khí thở của Netscape".

Thế độc quyền của Microsoft đang đi vào giai đoạn tồi tệ nhất với Internet Explorer.

Mặt khác, phần đông người dùng của thập niên 1990 vẫn chưa thực sự làm quen với khái niệm Internet và bởi vậy cũng chẳng có nhu cầu tìm hiểu những lựa chọn trình duyệt không được cài đặt sẵn lên Windows.

Khi Internet Explorer 5 được phát hành cho Windows 98 vào tháng 3/1999, thị phần của Microsoft đã lên tới 60%. Đây cũng là phiên bản chứng kiến năng lực công nghệ của Microsoft đạt tới mức cực thịnh nhờ các đột phá như XMLHttpRequest (tiền thân của Ajax), văn bản hai chiều, XML, tính năng lưu trang web dưới định dạng MHTML... Tổng cộng, Microsoft đã đầu tư 100 triệu USD mỗi năm để giúp IE5 có thể mạnh mẽ vượt mặt Netscape trên mọi phương diện.

Các phiên bản Windows hùng mạnh liên tiếp ra đời.

Ở phía còn lại của chiến tuyến, Netscape vội vã chống trả bằng hết sai lầm này đến sai lầm khác. Phiên bản Navigator 3 ra mắt chỉ vỏn vẹn 5 tháng sau Navigator 2 và được chia làm 2 bản nhỏ, trong đó bản cao cấp hơn mang tên gọi Navigator 3 Gold sẽ liên tục treo cứng vì bị nhồi nhét quá nhiều tính năng. Tiếp đến, Netscape lại quyết định thay đổi tên gọi "Navigator 3 Gold" thành "Netscape Communicator 4" và gây ra vô số hiểu lầm cho người dùng.

Netscape đã trượt dài.

Cuộc đấu của Communicator 4 và IE 5 kết thúc với thắng lợi áp đảo thuộc về Goliath. Những đột phá công nghệ được Microsoft tích tụ trên 3 thế hệ IE liên tiếp đã thực sự nâng tầm WWW khi các trang web cuối thế kỷ 20 đã trở nên phức tạp với rất nhiều thành phần động. Thay đổi này biến Netscape thành một thứ phế phẩm của thời gian, liên tục treo cứng ngay cả trên những trang web sử dụng CSS đơn giản. Theo lời kể của nhiều cựu nhân viên, Netscape thậm chí đã từng định phát triển một công nghệ đối nghịch mang tên JSSS (JavaScript Style Sheet) để cạnh tranh với CSS do Microsoft đỡ đầu. Đến khi CSS tỏ ra áp đảo, Netscape mới dành vài tuần lễ ngắn ngủi trước khi ra mắt Navigator 4 để tìm hiểu công nghệ này.

Khi đã thua cuộc rõ ràng, Netscape bèn quyết định thành lập dự án phi lợi nhuận Mozilla với tham vọng chuyển hướng Navigator và Communicator sang mô hình mã nguồn mở. Tham vọng này cũng thất bại và Netscape sẽ được bán lại cho AOL với giá "chỉ" vào khoảng 4,2 tỷ USD trước khi chết dần chết mòn một cách vô nghĩa.

Năm 2002, thị phần IE đạt 95%.

Đây vừa là chương huy hoàng nhất, vừa là chương trì trệ, u ám nhất của Internet Explorer. Tháng 5/2003, giám đốc dự án Internet Explorer tại Microsoft lên tiếng tuyên bố sẽ không phát hành IE độc lập mà chỉ cung cấp bản cập nhật đi kèm với các Service Pack của Windows. Trong thời gian này, Microsoft gần như không hề động tay đến trình duyệt thống trị thế giới.

Internet Explorer 6 trên Windows XP, biểu tượng của cả một thế hệ.

Đến tận khi tròn 10 tuổi, IE6 vẫn còn chiếm 17% trong danh sách lỗ hổng nghiêm trọng chưa được vá theo thống kê của Secunia. Tháng 6/2004, một hacker không rõ danh tính đã tận dụng lỗ hổng zero-day (chưa được phát hiện) trên IE6 để tung ra Download.ject, một đoạn mã độc có thể giúp hacker tạo cửa hậu trên Windows của người dùng khi nạn nhân mới chỉ... ghé qua trang web có lây nhiễm. Mất gần 2 tuần kể từ khi vụ tấn công đầu tiên xảy ra, Microsoft mới tung bản vá. Tệ hại hơn, đây cũng không phải là lần đầu tiên hacker khai thác các lỗ hổng tương tự của Internet Explorer.

Phạm vi thiệt hại của Download.ject không được làm rõ, nhưng tất cả các doanh nghiệp đều đã nhận ra một sự thật đau lòng: số phận của họ đang bị phó mặc vào Microsoft. Chừng nào Microsoft còn trì trệ, người dùng vẫn sẽ phải đối mặt với những mối nguy khổng lồ. Tất cả đều hiểu Internet Explorer cần phải có một đối thủ xứng tầm.

Chỉ vài tháng sau, nguyện vọng đó đã được đáp ứng. Ngày 9/11/2004, từ Mozilla - đống tro tàn của Netscape, Firefox 1.0 chính thức ra mắt.

Internet Explorer 7.

Có một sự thật bên lề khá thú vị liên quan đến tình trạng trì trệ của IE: tính đến IE6, Microsoft vẫn còn phải trả tiền bản quyền cho Spyglass. Tháng 10/2006, 5 năm sau ngày phát hành của IE6, phiên bản IE đầu tiên không còn bóng hình Mosaic là Internet Explorer 7 mới được phát hành.

Dù IE7 đã mang đến nhiều cải tiến so với IE6 nhưng cả 2 thế hệ trình duyệt này đều "nổi tai tiếng" vì thoải mái... phá vỡ các chuẩn mực do tổ chức "cầm trịch" World Wide Web là W3C đưa ra. Ban đầu, đây sẽ không phải là một vấn đề quá lớn vì người dùng thực ra chẳng có một lựa chọn nào ngoài IE cả. Nhưng đến giữa 2007, thị phần Firefox 2.0, vốn ra mắt sau IE7 chỉ 1 tuần, cũng đã đạt mức 2 chữ số.

Mỗi nhà phát triển web dày dặn kinh nghiệm có lẽ đều sẽ coi những năm tháng tranh giành quyết liệt giữa Internet Explorer và Firefox là giai đoạn đáng quên nhất trong sự nghiệp của họ. Với các tính năng đột phá như giao diện tab, tốc độ trải nghiệm áp đảo IE cũng như kiến trúc module cho phép mở rộng tính năng dễ dàng mà không ảnh hưởng đến hiệu năng, Firefox rõ ràng là được lòng người dùng công nghệ hơn IE. Thế nhưng, trong khi Firefox, Opera và Safari (của Mac OS X) đều tuân theo những tiêu chuẩn của W3C đưa ra, riêng mình Internet Explorer sẽ luôn đi theo một kiểu CSS, một kiểu Javascript riêng!

Thậm chí, khi đến cả Brendan Eich, "cha đẻ" của Javascript và cũng là một nhà lãnh đạo của Mozilla đã xuống nước và quyết tâm biến Javascript thành tiêu chuẩn miễn phí toàn cầu dưới tên gọi "thỏa hiệp" là ECMAScript, Microsoft vẫn quyết tâm từ chối. Ngay trong gia đình Internet Explorer cũng có sự phân mảnh, đế mức Microsoft phải thiết lập một chế độ riêng để người dùng IE6 có thể xem các trang web được phát triển cho IE5 trở xuống.

Điều này buộc các lập trình viên lúc nào cũng phải duy trì ít nhất là 2 bản code cho trang web của mình: một bản dành cho các trình duyệt tuân theo W3C, một bản dành cho trình duyệt họ ghét cay ghét đắng là Internet Explorer. Thị phần của IE sẽ liên tục bị bào mòn, nhưng trong suốt nhiều năm sau đó, Internet Explorer vẫn là trình duyệt phổ biến nhất toàn cầu, là lựa chọn mặc định của môi trường doanh nghiệp. Hãy tưởng tượng như thế này: bạn đã có một trình duyệt chất lượng tốt để thay thế, nhưng bạn vẫn bị ép buộc phải thực hiện 50-70% khối lượng công việc của mình thêm một lần nữa chỉ để hỗ trợ một thứ bạn ghét cay ghét đắng.

Đến tận 2009, Microsoft mới ra mắt được trình duyệt đầu tiên thỏa mãn Acid2 (bài kiểm tra mức độ đạt chuẩn của các trình duyệt web): Internet Explorer 8. Trên bài kiểm tra tiếp theo, Acid3, điểm số của IE8 đạt vỏn vẹn... 24/100.

IE8, phiên bản Internet Explorer cuối cùng hỗ trợ Windows XP.

IE, cơn ác mộng của Google.

Cùng lúc, bộ engine dựng hình Gecko của Firefox vẫn tiếp tục được hoàn thiện và ngày một ổn định, đa dạng tính năng hơn. Trong ngày ra mắt trước IE8 hơn 1 năm, Firefox lập kỷ lục 8 triệu lượt tải chỉ trong một ngày. Đến thời điểm chuyển giao giữa IE7 và IE8, phiên bản Firefox 3.0 vươn lên trở thành trình duyệt phổ biến nhất thế giới. Trong khi Internet Explorer 8 sẽ sớm giành lại vị trí số 1 và tổng thị phần của Microsoft cũng chưa bao giờ bị Mozilla qua mặt, sự kiện Firefox 3.0 đã bắt đầu cho một xu thế rất rõ ràng: người hâm mộ đã mất lòng tin vào Microsoft và thị phần IE từ nay chỉ có thể đi xuống.

Thật trớ trêu, kẻ lật đổ Microsoft lại không phải là kẻ thù truyền kiếp Mozilla/Netscape mà lại là một thế lực lẽ ra sẽ chẳng bao giờ nhảy vào thị trường trình duyệt nếu như IE không rơi vào thảm cảnh trì trệ.

Quyết tâm lật đổ Internet Explorer của Google bắt nguồn với Gmail. Với dung lượng miễn phí cao gấp hàng trăm lần các đối thủ, giao diện phân chia theo hội thoại và đặc biệt là rất nhiều tính năng động đòi hỏi hiệu năng JavaScript/Ajax cao, Gmail nhanh chóng phá vỡ những giới hạn do Yahoo Mail và Microsoft Hotmail đặt ra trước đó. Khởi đầu từ một thú vui tiêu khiển của các kỹ sư Google, Gmail là điểm khởi đầu một triết lý quan trọng sẽ có mặt trên nhiều dịch vụ Google sau này: Google thực sự cần một nền web phức tạp, không bị kìm kẹp về hiệu năng.

Cũng tại thời điểm này, Google còn sở hữu cả Maps và YouTube. Danh mục sản phẩm của Google trên nền web đang ngày một dày đặc những cái tên sẽ đẩy Firefox và IE tới giới hạn: chạy những trang web đình đám của Google trên Internet Explorer chẳng khác gì đem game đòi hỏi chip lõi tứ chạy trên chip lõi kép.

Thảm họa Vista khiến cho các thế hệ IE cũ như IE6, IE7 và IE7 sống lâu hơn dự kiến.

Với Microsoft, World Wide Web chỉ là một bữa ăn nhỏ đi kèm với miếng ăn chính – hệ điều hành. Nhưng với Google, WWW là toàn bộ miếng ăn nuôi sống cả tập đoàn. Trải nghiệm web càng dễ chịu và tân tiến thì người dùng càng cung cấp nhiều thông tin hữu ích để Google bán cho các công ty quảng cáo. Nhưng web càng dễ chịu thì code càng phức tạp. Sự trì trệ của IE lúc này đang đối lập trực tiếp với nhu cầu sinh tồn của Google. Và điều đó xảy ra ngay cả khi Google vẫn đang phải trả cho Microsoft (và Mozilla) những khoản tiền khổng lồ để được giữ làm bộ máy tìm kiếm mặc định trên 2 trình duyệt lớn. Giữa thập niên 2000, mối đe dọa từ Yahoo vẫn còn hiển hiện trong mắt Google.

Và từ 2005, gã khổng lồ tìm kiếm đã mua lại một startup nhỏ có tên gọi "Android, Inc". Tham vọng di động của Google đã được xác định rõ ràng sau sự kiện Apple vén màn iPhone, nhưng bài học từ Internet Explorer vẫn còn đó. Android vẫn còn lâu mới thành hình, nhưng để sở hữu một hệ điều hành di động, Google cũng cần sở hữu một trình duyệt riêng.

Xin chào, vị vua mới!

Khi năm 2008 đi đến những ngày cuối cùng và cũng là lúc IE8 chưa kịp chào đời, Google ra mắt Chrome. Với 2 bộ engine dựng hình và JavaScript hoàn toàn mới, Chrome nhanh chóng gây dựng danh tiếng là một trình duyệt... đốt RAM với hàng tá process đè nặng lên Windows. Để gia tăng tốc độ trải nghiệm hơn nữa, Chrome sẵn sàng tạo ra hàng GB rác trên đĩa cứng.

Nhưng cũng giống như iPhone đã chứng minh một năm trước đó, các khái niệm kỹ thuật chẳng hề ý nghĩa với người dùng. Chrome đã thiết lập một tiêu chuẩn mới cho tốc độ lướt web, một thế mạnh cho đến tận bây giờ vẫn không một ai có thể phá bỏ được.

Thua kiện độc quyền tại Châu Âu, Microsoft buộc phải cung cấp màn hình lựa chọn trình duyệt mặc định cho Windows.

Như bất cứ một kẻ lật đổ nào của ngày trước, Chrome từ từ tạo ra sức ép khổng lồ lên các đối thủ cạnh tranh. Tháng 6/2011, Firefox buộc phải từ bỏ mô hình phát triển chậm rãi của quá khứ để chạy đua phiên bản với Chrome. Song, khác với Firefox, Chrome là sản phẩm có sự hậu thuẫn của một tập đoàn khổng lồ, có khả năng thu hút một lượng lớn coder. Cuối năm 2011, theo số liệu của StatCounter, Chrome đã lần đầu vượt mặt Firefox trên phạm vi toàn cầu.

Và khác với Internet Explorer, Chrome là cần câu cơm chính chứ không phải là thú vui bên lề của một gã khổng lồ ngủ quên trên chiến thắng. Internet Explorer, đứa con cưng của gã khổng lồ ngủ quên ấy, sẽ liên tục nỗ lực bám đuổi bằng những phiên bản 9, 10, 11 đầy cải tiến và hợp chuẩn W3C hơn đàn anh, nhưng thị phần của trình duyệt đã từng đè bẹp Netscape ngày nào sẽ liên tục bị bào mòn mà không tìm thấy lối thoát. Đâu đó, người ta vẫn sẽ lên tiếng bênh vực chất lượng của những phiên bản Internet Explorer mới - điều đó có ý nghĩa gì khi Microsoft đã một lần phản bội chính các tín đồ đã đưa IE lên đỉnh cao?

Tròn 20 năm sau ngày ra mắt của Internet Explorer 1.0, Microsoft đã thất thế trên cả 2 mặt trận web và di động. Chrome đã đè bẹp Internet Explorer trên cả desktop và smartphone. Trong lễ ra mắt hệ điều hành có lẽ là quan trọng nhất của Microsoft kể từ ngày Bill Gates rời ghế CEO, vị trí trình duyệt trung tâm vẫn được trao cho biểu tượng chữ E quen thuộc. Nhưng lần này, chữ "E" ấy là của Edge, một trình duyệt hoàn toàn mới có hiệu năng ngang ngửa Chrome, có tính năng ghi chú thú vị để mở rộng tầm nhìn Windows cảm ứng, có trợ lý ảo và cả chế độ đọc sách cho các tín đồ Harry Potter.

Chữ "E" mới của Microsoft.

Tròn sinh nhật một tuổi, cũng như Internet Explorer ngày nào, Edge đạt thị phần 3%. Một hành trình lật đổ đầy khó nhọc lại mở ra trước mắt Microsoft.

Theo Tri thức trẻ