10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2014 do TTXVN bình chọn

Năm 2014, thế giới có nhiều biến động khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Sau đây là 10 sự kiện nổi bật nhất do TTXVN bình chọn:
10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2014 do TTXVN bình chọn

1. Căng thẳng leo thang tại Biển Đông và Biển Hoa Đông

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông trở nên gay gắt, đặc biệt sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại và lên án gay gắt các hành động khiêu khích cũng như âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Ngày 31/5, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 13 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định Mỹ kiên quyết phản đối bất kỳ nước nào sử dụng biện pháp hăm dọa, cưỡng ép hay đe dọa sử dụng vũ lực để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 31/5, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 13 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định Mỹ kiên quyết phản đối bất kỳ nước nào sử dụng biện pháp hăm dọa, cưỡng ép hay đe dọa sử dụng vũ lực để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Ảnh: AFP/TTXVN

2. Cuộc khủng hoảng Ukraine

Cuộc khủng hoảng Ukraine, bắt nguồn từ những mâu thuẫn phe phái và sự lựa chọn con đường phát triển đất nước, đã dẫn tới việc Tổng thống Viktor Yanukovich bị phế truất, bán đảo Crimea tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga, trong khi phong trào đòi độc lập ở miền Đông gia tăng mạnh mẽ. Cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này đã đẩy mối quan hệ giữa Nga và phương Tây tới mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Biểu tình, bạo loạn ở Ukraine. Ảnh:AFP/TTXVN
Biểu tình, bạo loạn ở Ukraine. Ảnh:AFP/TTXVN

3. Cuba và Mỹ quyết định bình thường hóa quan hệ

Ngày 17/12 đã trở thành dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa Cuba và Mỹ khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng thời công bố quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau hơn nửa thế kỷ bị gián đoạn.

Người dân Cuba tuần hành tại Thủ đô Havana chào đón 3 chiến sĩ tình báo Cuba được Chính phủ Mỹ trả tự do cùng ngày với việc Cuba và Mỹ công bố quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân Cuba tuần hành tại Thủ đô Havana chào đón 3 chiến sĩ tình báo Cuba được Chính phủ Mỹ trả tự do cùng ngày với việc Cuba và Mỹ công bố quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ảnh: AFP/TTXVN

 4. Sự trỗi dậy của lực lượng “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng

Trung Đông rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng khi lực lượng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ tại Iraq và Syria. Với những hành động khủng bố man rợ và âm mưu tiếp tục mở rộng diện tích chiếm đóng, IS đang trở thành mối đe dọa an ninh toàn cầu. Một liên minh quốc tế, với sự tham gia của khoảng 60 nước do Mỹ đứng đầu, đã được thành lập để chống lại IS. Trong khi đó, các mạng lưới khủng bố như Al Qaeda, Taliban, Boko Haram cũng gia tăng hoạt động mạnh mẽ với hàng loạt vụ tấn công, bắt giữ con tin và thảm sát dã man.

Phiến quân IS hành quyết hàng chục nhân viên an ninh Iraq tại tỉnh Salaheddin. Ảnh: AFP/TTXVN
Phiến quân IS hành quyết hàng chục nhân viên an ninh Iraq tại tỉnh Salaheddin. Ảnh: AFP/TTXVN

5. Giá dầu thô thế giới giảm mạnh

Giá dầu thô thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, có thời điểm dưới 60 USD/thùng, tác động mạnh tới nền kinh tế thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ.

Nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, Tây Siberia (Nga). Ảnh: AFP/TTXVN
Nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, Tây Siberia (Nga). Ảnh: AFP/TTXVN
 

6. Dịch bệnh Ebola bùng phát ở Tây Phi

Dịch bệnh Ebola bùng phát ở khu vực Tây Phi làm hơn 7.500 người tử vong trong số gần 20.000 ca nhiễm bệnh. Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh này gây lo ngại trên toàn cầu. Các nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm vacxine phòng bệnh Ebola bước đầu cho kết quả tích cực.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Ebola tới bệnh viện ở Biankouma, Côte d'Ivoire ngày 14/8. AFP-TTXVN

7. Thảm họa hàng không và hàng hải trên thế giới

Hãng hàng không Malaysia Airlines hứng chịu hai vụ tai nạn thảm khốc liên tiếp khi máy bay mang số hiệu MH370 chở 239 hành khách và phi hành đoàn mất tích bí ẩn ngày 8/3 trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh; máy bay mang số hiệu MH17 bị bắn rơi ở khu vực miền Đông Ukraine ngày 17/7 làm toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Ngày 23/7, máy bay mang số hiệu GE222 của hãng hàng không Đài Loan TransAsia Airways bị rơi ở Hồ Bành, Đài Loan (Trung Quốc), làm 48 người thiệt mạng. Một ngày sau, máy bay mang số hiệu AH5017 của hãng hàng không Air Algeria bị rơi ở miền Bắc Mali do tránh bão, làm 118 người thiệt mạng. Ngày 16/4, vụ chìm phà SEWOL đã cướp đi sinh mạng của khoảng 300 hành khách và là vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Vào những ngày cuối cùng của năm 2014, thế giới lại tiếp tục chứng kiến thêm hai thảm họa lớn. Đó là vào ngày 28/12, chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 thuộc hãng hàng không AirAsia của Malaisia, chở 155 hành khách cùng phi hành đoàn đã biến mất khi đang bay từ Indonesia đến Singapore. Cùng này, chiếc phà Norman Atlantic của Hy Lạp, chở theo 478 người cũng đã bốc cháy khi đang trong hành trình từ Hy Lạp tới Italy. Mọi công tác tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang được khẩn trương tiến hành.

Hiện trường vụ chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia bị rơi ở tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine ngày 17/7. Ảnh:THX/TTXVN
Hiện trường vụ chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia bị rơi ở tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine ngày 17/7. Ảnh:THX/TTXVN
 

8. Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu đạt được thỏa thuận

Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP – 20) tại Lima (Peru) ngày 14/12 đã đạt được thỏa thuận khung cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mặc dù thỏa thuận chưa mang nhiều tính ràng buộc và chưa giải quyết được mâu thuẫn cơ bản giữa các bên, song đây được coi là tín hiệu tích cực tạo nền móng xây dựng một dự thảo thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu, dự kiến được đưa ra thảo luận tại COP-21 ở Pari (Pháp) vào năm 2015.

Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP – 20) tại Lima (Peru). Ảnh:THX/TTXVN

Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP – 20) tại Lima (Peru). Ảnh:THX/TTXVN

9. Xung đột đẫm máu bùng phát tại Dải Gaza

Tiến trình hòa bình Trung Đông rơi vào bế tắc khi ngày 18/7, Israel phát động chiến dịch “Vành đai bảo vệ” nhằm trả đũa các vụ bắn rocket của phong trào Hamas từ Dải Gaza vào lãnh thổ nước này. Chiến dịch quân sự đẫm máu kéo dài 50 ngày khiến hơn 2.100 người Palestine thiệt mạng và khoảng 11.000 người bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Ngày 26/8, các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn, mang lại sự bình yên tạm thời cho Dải Gaza.

Máy bay Israel oanh kích xuống Dải Gaza ngày 29/6. AFP/ TTXVN
Máy bay Israel oanh kích xuống Dải Gaza ngày 29/6. AFP/ TTXVN
 

10. Tàu vũ trụ Rosetta thả robot xuống bề mặt sao chổi

Sau hành trình khoảng 10 năm, ngày 12/11, tàu vũ trụ Rosetta của Cơ quan vũ trụ châu Âu đã thả robot Philae xuống bề mặt sao chổi Churyumov – Gerasimenko nằm cách Trái Đất 500 triệu km. Robot Philae nặng khoảng 100 kg, mang theo nhiều thiết bị khoa học để chụp ảnh và kiểm tra bề mặt sao chổi. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một tàu vũ trụ đáp xuống bề mặt sao chổi, mở ra nhiều cơ hội khám phá lịch sử hình thành hệ Mặt Trời.

Hình ảnh robot Philae đáp xuống khoảng không gian cách bề mặt sao chổi khoảng 3km (hình ảnh do ESA cung cấp). AFP/ TTXVN
Hình ảnh robot Philae đáp xuống khoảng không gian cách bề mặt sao chổi khoảng 3km (hình ảnh do ESA cung cấp). AFP/ TTXVN

 Theo: TTXVN